-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đây là cảm biến 410 megapixel của Canon, kích thước full frame 35mm, ghi hình độ phân giải 24K
24/01/2025Dự kiến, chip CMOS cảm biến ghi hình trong hình cover trên đây sẽ được Canon giới thiệu chính thức tại hội thảo SPIE Photonics West, hội thảo hàng đầu của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành thiết bị quang học và hình ảnh, tổ chức tại San Francisco từ ngày 28 đến 30/1 tới.
Độ phân giải đạt kỷ lục, 410 megapixel, tạo ra những hình ảnh ở độ phân giải chính xác là 24592x16704 pixel của cảm biến này được các kỹ sư của Canon “nhồi” lên bề mặt của cảm biến đúng kích thước full frame, 35x24mm. Ở độ phân giải như thế này, hình ảnh chạm ngưỡng độ phân giải… 24K, tức là mức độ chi tiết, tổng số điểm ảnh cao gấp 12 lần so với độ phân giải 8K. Còn nếu so với Full HD, cảm biến này tạo ra được những hình ảnh có độ chi tiết cao gấp… 192 lần!
Cảm biến full frame 410 megapixel vừa được Canon phát triển này sẽ có hai phiên bản, với lớp lọc màu RGB, hoặc phiên bản monochrome. Thế nhưng anh em cũng đừng vội kỳ vọng sẽ có những chiếc máy ảnh EOS R hay những chiếc máy quay EOS C được Canon trang bị cảm biến độ phân giải siêu lớn này. Theo hãng, ban đầu, dự kiến nó sẽ được trang bị trong những thiết bị ghi hình phục vụ nghiên cứu khoa học, những ngành cần ghi những hình ảnh với độ chi tiết, độ phân giải cực cao.
Ở những ngành công nghiệp và khoa học cần ghi hình ở độ phân giải như thế này, chi phí thiết bị không phải vấn đề, không phải những con số gây đau đầu cho những người tiêu dùng.
Đại diện Canon giải thích: “Hầu hết những cảm biến CMOS với số điểm ảnh rất cao thường là những cảm biến medium format hoặc lớn hơn. Còn trong khi đó, cảm biến với độ phân giải 410 megapixel thì vô cùng gọn gàng, nằm đúng trong giới hạn format full frame 35mm. Điều này cho phép nó có thể được kết hợp với những ống kính dành cho cảm biến full frame, giúp tổng thể hệ thống ghi hình trở nên nhỏ gọn hơn.”
Câu hỏi kế tiếp, chính là làm thế nào để cảm biến đọc được hết lượng dữ liệu khổng lồ như vậy. Canon cho biết, giống nhiều cảm biến máy ảnh và máy quay thương mại đang có trên thị trường, con chip họ vừa tạo ra cũng ứng dụng thiết kế backside illumination + stacked CMOS. Điều này có nghĩa là lớp photodiode tiếp nhận luồng ánh sáng của cảm biến nằm ở mặt trên, còn kết nối dữ liệu ở mặt dưới cảm biến. Rồi cùng với đó, là cảm biến được xếp chồng thêm một lớp bán dẫn nữa để xử lý thông tin, nên gọi là stacked CMOS.
Tuy nhiên con chip BSI stacked CMOS này của Canon có tốc độ readout dữ liệu ngay trên cảm biến lên tới 3.280 megapixel/giây, đồng nghĩa với việc khi kết hợp với con chip xử lý băng thông đủ cao và hiệu năng đủ mạnh, những cỗ máy trang bị cảm biến này có thể chụp ở vận tốc tối đa 8 hình mỗi giây, ở độ phân giải gốc 24.592x16.704 pixel.
Thêm nữa, phiên bản cảm biến 410 megapixel full frame chụp đen trắng của Canon còn được ứng dụng giải pháp pixel binning. Giải pháp này trên lý thuyết không khác gì cảm biến của những chiếc điện thoại anh em đang dùng hàng ngày, gộp 4 điểm ảnh lại với nhau để cảm biến 48 megapixel tạo ra những tấm hình độ phân giải 12 megapixel, nhưng khả năng bắt sáng tốt hơn, chụp đêm đẹp và chi tiết hơn. Tương tự như vậy, anh em hãy tưởng tượng điểm ảnh của một cảm biến full frame khi ghép 4 pixel lại với nhau, tạo ra một tấm hình 100 megapixel sẽ thu được lượng ánh sáng cỡ nào.
Và với giải pháp pixel binning, dữ liệu mà cảm biến phải đọc và gửi về thiết bị xử lý và lưu trữ cũng sẽ thấp hơn, nhờ đó có thể quay những video độ phân giải 100 megapixel ở tốc độ 24 hình mỗi giây.
Là một trong những đơn vị hiếm hoi còn sót lại tự sản xuất cảm biến ghi hình, thay vì đặt mua từ Sony như nhiều cái tên nổi tiếng khác: Fujifilm, Nikon, hay thậm chí là cả Apple và Leica, Canon gần đây liên tục công bố những đột phá trong công nghệ cảm biến mà các kỹ sư của họ tự nghiên cứu phát triển.
Lấy ví dụ đầu năm 2024, họ công bố bằng sáng chế mô tả thiết kế cảm biến stacked CMOS ba lớp, thay vì hai lớp, một lớp photodiode và một lớp chip xử lý ở mặt dưới như các sản phẩm thương mại EOS R3 và EOS R1 của họ. Hai lớp chip xử lý tín hiệu hình ảnh thu được từ lớp photodiode ở trên cùng sẽ tăng tốc độ gửi dữ liệu về chip xử lý, từ đó tạo ra những chiếc máy ảnh với tốc độ chụp liên tục cao hơn nhiều so với những gì EOS R1 làm được. Hiện tại EOS R1 đang là chiếc máy mirrorless full frame nhanh nhất thế giới: 40 tấm RAW ở độ phân giải 24 megapixel mỗi giây.
Đấy là về tốc độ chụp. Còn về độ phân giải, đến tháng 10/2024 vừa rồi, Canon tiếp tục công bố một cảm biến format APS-H, tỷ lệ crop chỉ là 1.25 so với cảm biến full frame 35mm, so với tỷ lệ crop 1.39 của cảm biến APS-C so với full frame. Chiếc máy ảnh thương mại cuối cùng sử dụng cảm biến APS-H của Canon chính là EOS-1D Mark IV, độ phân giải chỉ là 16 megapixel. Còn cảm biến mới được giới thiệu cuối năm ngoái thì có độ phân giải… 250 megapixel, kích thước điểm ảnh 1.5 micro mét:
Nguồn: P.W - tinhte.vn
Đây là cảm biến 410 megapixel của Canon, kích thước full frame 35mm, ghi hình độ phân giải 24K (24/01/2025)
Sony α1 II chính thức: Mọi cải tiến đều nhỏ, dùng AI hỗ trợ lấy nét, 6.499 USD (23/01/2025)
🌼 THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2025 - Khánh Long Camera 🌼 (22/01/2025)
Fujifilm 2025 New Year Greetings: Năm nay sẽ có X-E5 và máy quay GFX Eterna? (22/01/2025)
Máy ảnh compact vẫn còn đất sống, sống khỏe là khác (21/01/2025)
Leica SL3-S: 5.300 USD, nhắm tới nhiếp ảnh báo chí, lấy nét nhanh nhất hiện giờ của hãng (20/01/2025)